Nó:
_ Ngon không
chịu được!
Là lời mà các tay bợm nhậu cũng như không phải bợm nhậu phải thốt lên
khi được thưởng thức món sườn heo nướng
muối ớt. Sườn heo nướng muối ớt là một món ăn ngon, mà, “gọi” bia vô cùng. Cái
vị ngọt của thịt được kết hợp với vị cay của ớt, vị đậm vừa của gia vị tạo
thành một bản hòa tấu dữ dội mà đam mê. Cái cảm giác cay ở đầu lưỡi nhanh chóng
lan tỏa ra khắp vòm họng, xâm chiếm mọi thớ thịt, đường gân. Để rồi vội vàng, kẻ
ham ăn, ưa nhậu đưa ly bia lạnh lên làm một hơi, nhẹ thì nửa cốc mà mê quá thì
cạn luôn. Để rồi cái cay – nóng, kết hợp cùng với cái lạnh – buốt một lần nữa
len lỏi vào mọi ngóc ngách của cảm xúc, khơi dậy đam mê. Kẻ thực khách lúc ấy
chỉ có thể nhìn sang bạn nhậu mà tròn mắt, mà không tin được trên đời lại có
món ăn ngon như vậy.
Trong suốt
gần mười năm lang thang khắp chốn, sống cuộc đời của kẻ lang thang, gặp gỡ những
kẻ lãng du khác, ở một nơi nào đó, cùng ngồi với nhau trên một bàn nhậu, cùng
thưởng thức một món ngon lẫm liệt như thế thì kể cũng là cái duyên, cũng không
đến nỗi phải nuối tiếc về những gì đã qua.
Có gì đâu,
sườn heo chọn loại mà xương bằng độ ngón tay người lớn là vừa ăn. Xương to là
heo đã già, ăn sẽ dai. Sau đó cứ thế chẻ dọc xuống, mà pha thành từng cây, khía
thêm dăm đường dọc thân sườn để khi ướp được thấm gia vị.
Muối ớt
thì cứ khoảng một cân sườn (khoảng 5 cây) thì ném vào đôi thìa tương ớt, thìa bột
ngọt, một ly mắt trâu rượu đế, chút xíu đường, ớt thì tùy tâm. Nhưng món này phải
cay mới ngon, tôi từng thấy nhiều ông vào hàng mà gọi lẩu Thái không cay. Tôi
không hiểu lẩu Thái, hay sườn, chân gà… nướng muối ớt mà không cay thì ra làm
sao nữa. Có lẽ nó cũng giống như một cô gái đa tình, mắt lá răm mà vì một lý do
gì lại không được liếc mắt nữa vậy. Thế thì buồn mà vô vị chết!
Trong khi
chờ gia vị ngấm thì ta nổi lửa lên. Đốt than hoa cho thực hồng, khi than đỏ thì
dàn đều thành một lớp mỏng dưới đáy lò. Không có lò thì phải sáng tạo thôi. Kẻ
phàm ăn này từng nướng đủ thứ trên những cái lò tự chế. Từ chum, vại, tới thau
sắt rửa bát, xe cút kít của dân xây dựng cho tới máng trộn hồ của thợ xây. Đời
ăn nhậu nó thế, nhìn đâu cũng thấy đồ (nhậu), ngã đâu cũng là bàn.
Than hồng
được rồi thì thì cho sườn lên, kĩ thuật là ở khâu này. Ta hẵng quay mặt xương
xuống, để lửa vừa như thế khoảng mười phút thì mới nướng các mặt có thịt. Cứ thỉnh
thoảng lại trở một lần, quan trọng là giữ nhiệt độ vừa đủ. Muốn biết nhiệt thừa
hay thiếu thì cứ nhìn vào cây sườn. Mãi không thấy xèo xèo tiếng mỡ reo là nhiệt
yếu, còn loáng cái mà sườn đã đen là nhiệt quá cao. Tôi từng thấy ối anh đầu bếp
tay thì nướng mà tay thì lăm lăm cây kéo. Cứ chỗ nào đen là cắt, là xén, xoay
qua xoay lại một hồi trông như thợ cắt tóc lành nghề, nhưng cây sườn sau khi nướng
thì “gầy” mà “điêu” không tả được.
Nói thế chứ
người lành nghề thì chỉ cần nhìn vào là biết than này lâu hay nhanh tàn,
nhiệt ra sao, để lửa thế nào. Còn không thì cứ để tay cách than khoảng một gang
tay, để được 3 giây là than vừa còn để được lâu hơn hoặc phải rụt ngay tay lại
vì nóng là đều chưa đạt.
Than vừa
thì không cần phải trở sườn liên tục, mà sườn sẽ chín đều. Cây sườn từ từ hồng rồi
đỏ lựng lên như một trái cà chua chín. Màu sắc ấy đã bắt mắt lắm. Rồi cái tiếng
mỡ chảy xuống than hồng nghe xèo xèo, theo đó mùi thịt nướng bốc lên thơm nồng,
quyến rũ. Các giác quan được đánh thức nhưng cái thần khẩu thì chưa được thỏa
mãn, cái cảm giác nó cứ ức ức thế nào ấy.
Công việc
này càng về cuối càng khẩn trương, vì sườn đã chín tới, các mặt hơi khô, rất dễ
cháy. Nhưng nhỏ lửa thì phải để lâu sườn bị khô quá, to lửa thì hỏng cả. Vẫn phải
để vừa lửa mà tay lật qua, lật lại luôn luôn. Thỉnh thoảng phải gõ xuống mặt vỉ
nướng để mỡ rớt xuống. Khi chất lỏng ấy rớt xuống thì lửa cháy lên, tay phải quạt
để tránh bắt lửa.
Cuối cùng
khi sườn ráo mỡ, các mặt se khô, đỏ hồng là sườn được. Ta vội vàng dọn lên, này
đây rau răm, này đây dưa chuột bổ dọc, này đây muối ớt hột. Ta nâng ly bia, mời
kẻ đối diện – người ta có thể quen thân, có thể chỉ vừa mới gặp. Chẳng vụn vặt
làm gì. Bởi, nó:
_ Ngon
không chịu được!
0 coment�rios:
Post a Comment