Muốn cách gì đi nữa, tôi yêu thì tôi cứ bảo là tôi yêu. Yêu Sài Gòn quá, Sài Gòn ơi, bởi vì Sài Gòn là trời hoa, đất rượu.
Rượu uống bất cứ loại nào, bất cứ ở đâu, bất cứ giờ nào. Uống cho kỳ “đã” thì thôi.
Tôi
yêu Sài Gòn là vì rượu ở đây “đã” lắm, rượu đậu nành; rượu Vĩnh Tồn
Tâm; rượu thuốc uống vào không tê thấp, khỏi đau gan, khỏi sình ruột;
rượu đế; rượu côngsi; thế rồi lại còn nào là whisky, cognac, nào là rượu
Minh Mạng “nhất dạ lục giao sinh ngũ tử”, rượu dâu, rượu nếp than...,
trăm thứ bà rằn rượu... uống vào đã mát cả ruột gan, lại có bao nhiêu
thứ nhắm diệu kỳ, hỏi làm sao không hả?
Này, anh cứ thử cắt một
miếng bần hay miếng cốc, chấm tí ti mắm ruốc, đưa cay, có phải sướng cái
ông thần khẩu quá lắm không? Khế, ổi xanh, củ kiệu, ba con tôm khô hay
vài cái xương “xí quách”, ấy thế là ta đã có mấy thứ nhắm lý tưởng; để
làm cho nổi bật lên cái vị của “chất nước có men” lên rồi. Anh giơ cái
ly lên mời bạn “Dô!” rồi há hốc miệng ra “ngưu ẩm”. Anh tự nhủ: “Ngày
xưa, Đỗ Phủ, Lý Bạch uống rượu cũng chỉ ”pho" đến thế là cùng". Và có
lúc tự anh không nói ra nhưng nghĩ thầm trong bụng “anh là trích tiên,
không biết ở trên thiên cung có tội gì mà bị đầy đọa ”trần ai" nơi hạ
giới, khổ đến thế này, chớ với cái tài và cái đức của anh, nhất định là
phải nắm cổ thiên hạ mà vật ngã xuống đất đen, cấm không cho đứa nào
được cất đầu lên để hít thở cái không khí dành cho các siêu nhân - mà
chính anh là một". “Dô” nữa đi, các bồ! “Dô”!
Rượu tốt, đồ nhắm
lại ngon, uống cả ngày cả đêm không chán. Nhắm mãi củ kiệu, tôm khô,
trái cốc, bưởi, xoài và mít chán rồi, ta lại gọi “lỗ tai heo”, bì cuốn,
hay vài chục đồng phá lấu chấm với “lạp chíu chương”... Món nhậu gì cũng
“ba chê”, ấy thế mà bao nhiêu thứ đó đều không có “ki-lô” nào cả đối
với một món nhậu không tiền khoáng hậu là khô. Có khô đi với rượu, rượu
mới thực là tuyệt đã!
Thế thì không có biết khô là gì không, hỡi ông bạn Bắc Kỳ thân mến?
Khô
không phải là một hình dung từ, nhưng là một danh từ; khô là một biến
thể chớ không phải là một trạng thái; khô là một thực tế chớ không phải
là một phương pháp.
Không có một người nào trong chúng ta dạo
trên những vỉa hè thành phố Sài Gòn lại không từng thấy những ông mặt
nghiêm nghiêm như suy nghĩ rất lung về thế sự nhân tình, nâng ly rượu
lên uống và đưa cay một con tôm kèm củ kiệu. Con tôm đó chỉ là một hình
thức của khô. Nó là một thí dụ rất nghèo nàn mà người viết bài này bất
chợt nêu ra, chớ thực ra khô không phải là một món ăn, nhưng là cả một
hệ thống phì nhiêu, gồm những miếng ngon vật lạ thiên hình vạn trạng...
Thực
vậy, ăn cóc thì chỉ có cóc thôi, ăn lươn chỉ có lươn thôi, ăn ếch chỉ
có ếch thôi. Nhưng ăn khô thì là ăn không biết bao nhiêu thứ, vì ở đời
này có bao nhiêu sinh cầm, gia súc ăn được thì tức là có bấy nhiêu khô
chờ đợi ta. Nhưng khô mà được người ta thưởng thức, tôn thờ và quí mến
nhứt, đó là khô tôm và khô cá. Ở đây, phàm ai đã cầm một cốc la-de đưa
lên miệng, thẩy đều đã biết khô tôm; ở ngoài Bắc, những hôm mưa dầm gió
bấc, chúng ta cũng đã từng dùng món đó để đưa cay, nhưng không có gì lạ
lắm mà cũng không... phổ cập.
Lạ là khô cá. Cái thứ mà ta vẫn gọi
là cá mắm khô, bán từng ký, từng tạ, cái thứ cá mắm khô mà mỗi khi ta
qua ngõ Phất Lộc, Hàng Mắm ở Hà Nội, vẫn xông ra một mùi tanh tưởi, đến
nhức đầu, buồn nôn, ở đây đã thành ra một món ăn rất phổ thông, không
đắt tiền lắm, nhưng được thưởng thức đáo để là thưởng thức.
Trước
khi có chiến tranh, thường người ta chỉ thấy lơ thơ một ít người đàn bà
ngồi dưới cây đèn bán khô. Tất cả vốn liếng của họ chỉ là một cái mẹt
trên có một ít khô mực, khô cá đuối, khô cá nhái, khô cá tra, khô cá
mặn; kèm vào đó, một hòn đá và một cái hỏa lò nho nhỏ bằng đất hay bằng
một hộp “bít-quy” trên có một cái “mành”. Khách qua đường lên cơn ghiền,
kêu một ly “ba xi đế” hay một ly rượu thuốc và một miếng khô. Người bán
hàng lấy một miếng, tùy theo ngón tay anh chỉ, để lên trên mành sắt,
nướng phồng rồi đặt lên hòn đá, lấy búa đập cho khô giập mặt. Như thế,
nó mềm. Khách nhậu lấy ngón tay nhón miếng khô, nhai bỏm bẻm như Mỹ nhai
kẹo cao su, ực một hơi rượu, rồi móc túi trả tiền đi thẳng, không có
đôi hồi gì hết.
Ấy đấy, trước kia, dưới mắt tôi, người ta ăn khô như thế đấy.
Nhưng
bây giờ ở Sài Gòn thân yêu, kinh tế liệt giường liệt chiếu, người dân
ít tiền không dám tự thưởng những món nhắm sang, tôi thấy kỹ nghệ ăn khô
tiến bộ vượt bực, cùng với nghệ thuật nhậu nhẹt: ngoài la-ve, ba xi đế,
bây giờ người ta rủ nhau uống bảy mươi hai thứ rượu thuốc khác nhau,
mười bốn thứ rượu mạnh “lô canh”, rượu cắc kè, bìm bịp, thì cố nhiên khô
để nhắm rượu cũng phải phát triển tới mức tối đa của nó.
Người
ta đội thúng đi bán khô, quảy gánh đi bán khô, mở tiệm bán khô. Buồn
không biết làm gì, mở một cái “ba” có đủ các thứ khô để chiều thị hứng
của người ta; ngồi nhà hát cũng có trẻ đem khô vào mời; quán cà phê có
ca nhạc và “sô” cũng để một cái tủ kính bán khô chấm với chanh muối hay
là tương ớt. Ối, còn nói gì đến các quán ở ngoại ô như Tân Thuận, Lồ Ồ,
Xóm Mới, Đồng Quê, Bình Lợi: trên là trời, dưới là khô; trông cứ hoa cả
mắt, không biết ăn thứ nào, bỏ thứ nào!
Tựu trung, khô có thể phân ra làm hai loại chính là khô cá và khô thịt. Hai loại này lại chia ra làm nhiều phân bộ.
Về loại cá, có khô đồng và khô biển.
Về loại thịt, có khô gia súc và khô dã thú.
Khô
đồng là cá đồng phơi khô, như khô lóc nói, khô thòi lòi, khô tra, khô
sặt, khô bống kèo... Khô biển là cá biển phơi khô, như khô gộc, khô
khoai, khô nóc, khô chim, khô đuối, khô nục, khô nù...
Ai ăn khô
cá luôn thấy ngán thì có khô thịt. Khô thịt, cũng như khô cá, chia ra
làm hai loại: loại gia súc và loại dã thú. Trong loại gia súc, có khô
trâu, khô ngựa, khô bò... Người mình không làm nhiều khô vịt, khô gà,
khô heo như “các chú”, nhưng ăn lạ miệng có khô cóc, khô nhái, khô ếch,
khô lươn, khô chuột...
Lạ miệng hơn một tầng nữa là khô dã thú,
có khô nai, khô beo, khô tê, khô khỉ, khô cọp. Thứ khô sau cùng này bán
tới 80 đồng một ký hồi 1954-1955, ăn chơi cho lạ miệng, chứ thực ra dai
cứ như là chão rách, mà lại khai, chẳng ra cái chết gì. Người ta bảo
rằng khô này trị được ban trái, quý gấp trăm thịt cọp tươi, viện lẽ khô
thụ khí âm dương và lúc phơi khô đã lãnh được nhiều “tia trong đỏ, tia
ngoài tím” của mặt trời. Thôi, thì cứ tin đi là thực cho cả làng cùng
vui. Đúng hay không đúng, cái đó để hạ hồi phân giải. Duy chỉ biết rằng
ăn cái khô này, theo lời các cụ già, phải cữ thịt gà và măng tre; không
thế, sẽ sinh ra “dòi trong bụng”. Có lẽ vì thế ít có người ham khô cọp.
Khô
đuối ăn dai khẹc, để lên thớt lấy búa đập cũng vẫn dai. Khô thòi lòi ăn
bã bà bà. Khô lóc nói, ăn đoảng vị. Bằng vào những nhận xét của người
sành khô thì ngon nhất là khô chim, khô gộc, khô thiều, khô khoai, khô
sặt. Gặp một buổi chiều rảnh rỗi, ngồi ở cửa sổ trông ra trời nước mênh
mông, mà lòng lại rầu rầu một tí, sầu sầu một tí vì nhớ đến người yêu
bạt ngàn mây khói, anh nâng một ly rượu “độc ẩm”, nhắm một miếng khô
lăng-trình nướng vừa chín tới, anh sẽ cảm thấy như mình đã trả được thù
đời. Anh nhai khô, cho rượu và khô “liên hiệp” với nhau, “hòa đồng” với
nhau, tạo thành một vị the the, ngọt ngọt; anh sẽ thấy thế là... hết, ở
đời không còn gì đáng kể nữa, “đời đã hại mình thì mình vui với rượu và
khô: đỡ quá!”.
Nhưng dù là khô tra, khô lóc hay khô lăng trình;
dù là khô nai, khô cọp hay khô ngựa mà nhắm rượu thì cũng không nên dùng
mặn. Nhậu, phải dùng khô lạt. Rượu tốt mà điểm một miếng khô lạt vào,
mới cảm được hết cả cái ngon mùi mẫn của khô, cái ngon thấm thía, cái
ngon chan chứa không biết bao nhiêu dư vị. Nó thơm, mà bùi, hơi ngầy
ngậy mà lại mặn, mà lại ngọt như nước mắm nhĩ, nhai mãi không biết chán.
Có
ai một chiều nào nhàn tản trên con đường Pasteur, ở ngã ba Lê Lợi, có
thấy hàng toán người tề tựu ở trước chùa Chà như dự một cuộc mết tinh vĩ
đại? Không, họ không phản đối gì hết mà cũng chẳng yêu cầu gì hết. Khẩu
hiệu của họ căng lên ở trong lòng: họ ăn, họ uống, và uống và ăn để làm
thỏa mãn cái dạ dầy nhiều đòi hỏi. Có người đứng ăn; có người ngồi ghế
ăn; có người ngồi ở xe máy dầu gác chân lên hè để ăn; có người ngồi xổm
trên hè để ăn; lại có người hãm xe hơi lại, thò đầu ra ngoài kêu ăn. Họ
ăn gì vậy? Ăn bánh tôm; ăn bì bún; ăn bánh mì phá lấu; ăn ốc; ăn bánh
canh giò heo; nhưng muốn gì thì gì, món được người ta thưởng thức nhiều
nhất, nồng nhiệt nhất và thành tín nhất vẫn là món đu đủ bào, rưới rất
nhiều dấm ớt lên trên.
Ở cái đất quanh năm nắng chói như đây,
tạng người ta nhiệt lắm, lòng lúc nào cũng cứ xót như cào: ăn cái món ấy
vào mát ruột. Các ông ưa quá, mà các bà các cô lại ưa hơn; ăn một đĩa
rồi lại muốn ăn đĩa thứ hai, thứ ba... thứ sáu... Chính tôi đã thấy có
một bà ăn chơi sơ sơ một lúc sáu đĩa như thế rồi xuýt xuýt xoa xoa, chảy
cả nước mắt nước mũi mà có vẻ như vẫn còn thèm ăn nữa. Ờ, cái món đu đủ
bào, trộn dấm ớt đó là gì vậy? - Thưa, đó là khô bò. Đu đủ bào, trên
đặt mấy miếng khô bò, tưới giấm ớt rồi rắc mấy lá ngò lên trên... đó,
chỉ giản dị có thế thôi, vậy mà ăn vào... phải biết! Ngon chết người đi
được!
Tôi giận làm sao cái khô bò, chế hóa thần tình như thế, ăn
vào đã lạ miệng, lại lành (tuy có vẻ hơi dơ chút xíu!), mà cớ làm sao
trong bao nhiêu năm trời, người ta không nghĩ khuếch trương món đó, chế
ra đu đủ bào, pha giấm ớt và trộn với khô cá, khô nai, khô heo rừng?
Chưa biết chừng chế hoá khô thành một món như thế, ăn còn ngon hơn nữa,
và người nào xung phong làm các loại khô ngâm giấm ớt như thế sẽ hóa ra
“vua khô đóng hộp” theo văn hóa đồ hộp của Mỹ, chưa biết chừng...
Trong
khi chờ đợi ngày vinh quang đó, khô hãy tạm sống cái đời sống chật hẹp
trong phạm vi quốc nội. Ngoài việc dùng nhậu nhẹt, khô còn được người ta
dùng làm các món ăn khác, tuy là để xài hàng ngày, nhưng lúc nào cũng
tạo ra được những mùi vị mới, lạ hơn. Mỗi món ngon một cách, cũng như
mỗi cô gái xinh một vẻ, biết kể món nào trước, món nào sau bây giờ?!
Đặc
biệt Sài Gòn, có lẽ là món gỏi. Cô muốn dùng gỏi khô sặt, gỏi lăng
trình hay gỏi cá nước, cá lo? Xin tùy sở thích. Miễn là trước khi ăn,
phải sửa soạn cho đủ gia vị, thiếu một thứ thì kém ngon ngay. Dưa leo,
đào lộn hột, rau răm, thịt ba chỉ, xoài sống; mấy thứ đó đặt vào trong
một miếng bánh tráng đã nhúng sẵn vào nước cho mềm; ở giữa đặt mấy miếng
khô đừng mỏng, đừng dầy, không to, không nhỏ; thế rồi cuốn tất cả lại,
chấm thật đẫm giấm ớt, vừa chua vừa mặn, hơi cay hơi ngọt. Chà, mát ruột
làm sao! Có ai sợ bánh tráng và đào lộn hột ăn đầy, có thể dùng giản dị
đi một chút mà vẫn thấy “thú vị tơ”: ăn khô với rau diếp cá, gia thêm
vài khoanh trứng luộc, rưới tương trộn đậu phọng ghiền nhỏ, pha thêm
chút giấm và điểm vài nhánh tỏi.
Giản dị hơn một bực nữa là xoài
tượng thái từng lát nhỏ kẹp với một miếng khô ăn. Có lẽ ăn như thế để tỏ
rằng riêng khô cũng đã ngon quá mất rồi, không cần phải thêm gia vị làm
gì cho phiền phức, nhưng đành vậy, ăn như thế cũng chưa tỏ được cái
ngon “độc lập” của khô bằng những ông ở Hậu Giang, buổi sáng, thắp một
ngọn đèn dầu lên uống nước trà, vừa uống nước, vừa nhắm khô bỏm bẻm...
Ăn
như thế là ăn theo kiểu “bốn món ăn chơi” của Tầu. Ăn như thế với cơm
cũng được đi, nhưng không mấy thú. Muốn cho ngon thì nên xắt khô ra cho
vào tô, chưng lên với mỡ, gia thêm củ hành và đường; chín tới, bắc ra ăn
với rau sống, chuối xanh; cơm nóng với khô chiên vừa vặn “ăn thùng bất
chi thình”. Người Đức, người Nhật ăn thịt, ăn cá vẫn thường cho đường
vào như thế đấy và bảo giầu chất pờ-rô-tít và li-pít lắm.
Ai cho
thế là lợ thì nấu kiểu xiêm lọ: khô rửa sạch, thả vào nước sôi, đun,
rồi cho con mẻ nhồm bắp chuối, bỏ rau om, ngò, chua, lá quế, đợi chín
thì bắc ra ăn, như kiểu cá om với đậu ván ở Bắc: ngon quá xá, có phải
thế không, cô?
Bên ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, vợ bới thêm một chén cơm nữa cho chồng:
Cơm trắng ăn với khô khoai,
Chồng hòa vợ thuận, ăn hoài quên no
Cứ
gì phải ăn vây, yến, bào ngư, gân hươu, tống cú. Cứ gì phải ăn bí-tết,
lăng-gút bỏ lò, gà sữa, “cana ôsitông”, “cátsulê medông” mới được.
Vào
khoảng tháng bảy, tháng tám, ở miền Nam nước Việt thường hay có bão
rớt: tự nhiên trời đương nắng bỗng sa sầm hẳn xuống, rồi gió, rồi mưa,
rồi vừa mưa vừa gió, như đổ cửa, đổ nhà đến nơi.
Gặp những buổi
gió thảm mưa sầu như thế, hạ bức châu liêm xuống mà vặn ngọn đèn hồng
lên, cô thủng thẳng kể cho chồng nghe cách làm khô ở “trong này” thì bữa
ăn càng nổi vị:
- Làm cái khô này cũng công phu lắm, anh à. Về
khô đồng, không có gì lạ lắm, cũng như khô thịt vậy; nhưng làm được cái
khô biển, quả là tử công phu. Ờ, hôm nào rảnh, vợ chồng mình về Rạch Giá
thăm ngoại, em sẽ đưa anh đi xem làm khô biển, vui đáo để.
“Một
buổi chiều kia, đứng trên bờ biển trông ra muôn trùng mây nước, anh sẽ
thấy có những đoàn thuyền lớn, nhỏ tiến vào trong bến, y như những
thuyền mơ trong bài hát giao duyên.
“Đó là những thuyền đánh cá ở
xa về. Thường thường, thuyền nào cũng đầy nhóc cá. Em là con nhà nghèo,
sinh đẻ trên sóng nước, nên lúc nhỏ không có ngày nào em không có mặt
lúc các thuyền đánh cá trở về, để chuyển cá lên bờ giúp người ta lấy bữa
ăn và mót cá về cho gia đình dùng đỡ khổ.
“Ở miền duyên hải, rau
cải thiếu thốn, người ta hàng ngày chỉ sống ròng với cá thì trời
thương, biển lúc nào cũng thừa cá để nuôi người, cũng như mẹ hiền lúc
nào cũng có sữa cho con bú. Thôi thì đủ các phân loại, các hình thức,
các kích thước, không thể nào tưởng tượng được: có cá cưa, có cá điện,
có cá sư, có cá lép, lại có thứ cá người - bởi vì mặt mũi nó y hệt người
ta vậy...
- Ủa, có cá người? Vậy ra người ta không đánh lừa anh sao?
- Anh nói gì? Ai đánh lừa anh và đánh lừa gì vậy?
- Phải, anh ta cứ tưởng là người ta đánh lừa... Người ta đây là một nhà văn Y tên là Curzio Malaparte.
- Anh nói gì, em không hiểu.
-
Em cứ yên, để anh kể đầu đuôi câu chuyện cho mà nghe. Hồi còn ở bưng
ngoài Bắc, anh có đọc một cuốn hồi ký nhan đề là “Làn da” (La peau) của
nhà văn sĩ nói trên, trong có chừng mươi lăm kỷ niệm diễn ra hồi thế
chiến thứ nhì kết thúc, quân đội Đồng minh đến giải phóng cho nước Y bị
“chà đạp dưới gót của độc tài phát xít Mussolini”. Đại diện cho Đồng
minh lúc ấy có ba vị anh hùng ghê gớm: Roosevelt, Staline và Churchill.
Được
cái hân hạnh độc nhất vô nhị trên đời là được tam anh đến viếng thăm để
đánh dấu ngày giải phóng cho dân tộc Y, tân chánh phủ Y do Đồng minh
chỉ định ngầm mặc dầu tan tác xác xơ vì bom giải phóng của Đồng minh,
mặc dầu kiệt quệ không còn đủ cơm mà ăn, đủ áo mà mặc, mặc dầu xác người
vẫn còn chất đống lên ở ngoài đường vì được xe tăng giải phóng đè lên
bẹp dí như tờ giấy, cũng cố gắng treo đèn kết hoa, lấy hơi tàn ra hét
lên những khẩu hiệu “Đồng minh muôn năm! Quân đội giải phóng muôn năm!”.
- Anh càng nói, em lại càng không hiểu.
-
Thì anh đã nói hết đâu! Tân chính phủ Y, lúc ấy quả là sống trong cái
chết, nhưng cứ phải theo đúng nghi lễ văn minh, tổ chức một bữa tiệc
sang trọng để thết các vị anh hùng giải phóng cho nước Y đáng thương.
Nhưng muốn cho bữa tiệc sang trọng, lấy gì ra để mời ăn bây giờ? Sau một
cuộc thảo luận kéo dài một buổi chiều và một nửa đêm, các nhà tân hữu
trách Y quyết định: nước Y, đến khi được giải phóng, không còn một cái
cóc khô gì cả, trừ một hải học viện nuôi toàn các giống cá quí kỷ niệm
của các Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Anh, Pháp, Nga... lúc Y còn là đồng
minh của họ.
Các nhà hữu trách Y bèn cho bắt một ít cá quý nhất
trong hải học viện để làm tiệc đãi các vị anh hùng giải phóng. Sau mấy
món ăn chơi, nhà bếp bưng ra một cái đĩa to bằng một cái giường trẻ con,
hình bầu dục, do hai người khiêng lễ mễ. Đĩa trắng bóng, chung quanh là
hành lá, ớt, rau cải bầy mỹ thuật như là một thảm cỏ xanh. Hai người
trịnh trọng đặt lên bàn. Quan khách liếm môi vì món ăn hứa hẹn. Ở giữa
đĩa có một con cá rất to. Mọi người giương mắt lên chưa kịp nhìn thì ở
đầu bàn, một bà người Mỹ, bí thư của Tổng thống Roosevelt hét lên một
tiếng rồi ngất xỉu trên bàn tiệc. Mọi người đổ xô lại cứu. Đến khi bà Mỹ
kia tỉnh lại thì bà chỉ giơ tay ra hiệu không nói được. Sau mãi, hỏi ra
mới biết là bà sợ... bà kinh tởm... bà gớm ghiếc cái con cá quý mà tân
chánh phủ Y đã trịnh trọng làm thịt để mời đồng minh xơi. “Cất ngay
đi... tôi không thể trông thấy con cá này đâu... chính là người ta đã
làm thịt người cho chúng ta ăn... thịt một đứa con gái nhỏ... Phải,
không phải là cá... đây chính là một đứa con gái nhỏ”.
Malaparte, cũng ngồi dự bữa tiệc lịch sử ấy, lễ phép đứng dậy trình bày:
-
Thưa quí vị, thưa quí bà, tôi nhất định đây là con cá. Chúng tôi gọi nó
là cá người (nhân ngư). Nó là con cá quý nhất trong hải học viện của
nước chúng tôi. Nước chúng tôi trải qua một cuộc chiến tranh nhơ bẩn,
thực quả không còn gì hết, chỉ còn có con cá này là quí nhất nên chúng
tôi tâm thành đem làm thịt để thết các ngài là những vị anh hùng lịch sử
đã đem bom đạn đến diệt phát xít để giải phóng cho đất nước khốn nạn
của chúng tôi... Xin mời các ngài xơi thử...
Bà bí thư người Mỹ giẫy lên đây đẩy:
- Không, nhứt định không. Đây không phải là con cá. Đây chính là người, một đứa bé con mà họ giết thịt để mời chúng ta ăn.
Muốn
giải thích cách gì cũng không thể được, nhà văn Malaparte bèn đề nghị
đem vứt đi cho người dân Y bị đói khổ vì chiến tranh lấy mà ăn, nhưng bà
bí thư Mỹ cũng vẫn không chịu: bà bắt phải làm một cái nghĩa địa để
chôn con cá.
Nhà văn Malaparte cười mà nước mắt chảy ròng ròng, chắp tay lại thưa lên:
-
Thưa quí bà, thưa quí vị, đến giải phóng nước chúng tôi, quí vị không
tự biết là vô tình đã đem đến cho chúng tôi một bài học: quí vị nhân đạo
không để đâu cho hết, quí vị thương người không để đâu cho hết, hơn thế
lại thương cả đến con cá nữa, và muốn chúng tôi làm một cái nghĩa địa
để chôn cá cho mồ yên mả đẹp. Chúng tôi rất thấm thía về bài học nhân
đạo ấy, nhưng kia kìa, các ngài nhìn qua cửa sổ ra ngoài đường mà xem:
nhà cửa bị san bằng, xác người chất đống không ai chôn cất, con chó cũng
như con người đều đói trơ xương; chúng tôi sống không có miếng cơm cho
vào miệng, chết không có một mảnh đất để chôn, thế thì còn đào đâu ra
tiền để làm một cái nghĩa địa chôn cá, theo tinh thần siêu đẳng của
người Mỹ văn minh, giàu có và đầy một tấm lòng nhân đạo?
Ấy đó,
câu chuyện chỉ có thế thôi. Nhiều lúc anh đã muốn quên đi, không ngờ hôm
nay em nhắc đến cái giống cá người thành thử lại phải nhớ lại và tự
hỏi: “Vậy ra người ta không đánh lừa anh sao?”.
Nguyên do là vì
đọc câu chuyện trên của văn hào Malaparte, hơn hai mươi năm, nay anh vẫn
yên trí là Malaparte nói đùa và bịa ra câu chuyện “nhân ngư” để nói xỏ
các vị anh hùng giải phóng cho nước Y... Ai ngờ lại thật... Mà ngay ở
nước ta cũng có giống cá người... Thế thì ở nước Y người ta giết con cá
người làm thịt mời chủ mới, người Mỹ nhân đạo không chịu ăn thịt con cá
người, bắt làm nghĩa địa để chôn, còn ở nước ta, người ta đem cá người
ra làm gì?
- Ôi chao, cá người, cá điện, cá thu, cá lép, cá sư,
cá gì thì cũng đem cân ngay tại thuyền để chở đi bán ở khắp các nơi
trong nước và xuất cảng. Nhưng muốn bán bao nhiêu đi nữa thì cá vẫn cứ
là thừa mứa, thành ra người ta phải tìm cách làm mắm, làm khô. Chỉ có
khô mới giữ được lâu thôi.
“Cá ở các thuyền bốc lên được chở về
vựa; tại đây, có những người đàn bà chuyên môn ngồi xẻ cá ra, bỏ ruột
rồi rửa bằng nước biển chất lên cả đống như là núi vậy.
“Sáng hôm
sau, cá đó được đem ra phơi trên những giàn tre ở bãi biển thành những
hàng dài tăm tắp, có khi tới một cây số, hoặc treo lên cho tới khi vừa
bủng thì đem xuống rửa đi, rồi xát muối, phơi nữa, phới kỳ cho bao giờ
khô teo đi mới chịu thôi. Rửa nước rồi phơi như thế là để cho cá mềm,
chớ mổ cá xong mà cho vào thùng thông ngay, ngâm muối một vài đêm rồi
phơi lên ba bốn nắng, khô sẽ cứng nhắc như đá, ăn không cẩn thận, có thể
gẫy răng luôn”.
Tôi vốn không phải là người ưa cá. Đến tận lúc
lớn lên, tôi tập mãi mới biết ăn chả cá; ngoài ra cá kho, cá rán, cá
chưng hay canh cá nấu với rau cải bỏ mấy lát gừng, tôi ăn không chịu,
chỉ bởi lẽ có thành kiến cá tanh, nhất là cá mặn, cá mắm thì tôi sợ quá.
Vậy mà một hôm kia, tôi đã liều ăn khô. Đó là một buổi sáng mùa
thu. Ở Lái Thiêu, một cô bạn và tôi nằm trong một vườn măng nằm ngửa
mặt lên trời xem mây bay rồi chợt ngủ lúc nào không biết. Đến lúc tỉnh
dậy thì trời đã xế trưa, bụng đói, mà chung quanh không có hàng quán,
hàng quà nào hết. Nhân câu chuyện nói chơi, ông chủ vườn đem đến cho
chúng tôi hai bát cơm nguội, mỗi bát có để một miếng khô cá lép.
Lúc
đó, vườn vắng tanh, ở ngoài kia trời nắng chói. Chúng tôi bưng bát lên
ăn thấy ngon không biết chừng nào. Từ lúc bấy giờ tôi mới biết rằng cơm
nóng ăn với khô đã ngon quá đi rồi, nhưng ăn khô với cơm nguội lại càng
ngon vượt mức, ngon không thể nào nói xuể. Và cũng từ đó tôi mới hiểu
tại sao có những cô con gái Bắc, “ở ngoải” thì không ăn được cá mắm, cá
mặn mà vào đến trong này lại nghiện khô, mỗi tháng ba mươi ngày thì cả
ba mươi ngày chỉ ăn cơm với khô thôi cũng cứ ngon đi.
Sự thay
đổi kỳ lạ đó, hiện giờ tôi vẫn còn đang tìm hiểu. Trong khi chưa biết
kết luận ra sao, tôi chỉ biết cười khì lúc thấy má con Châu, con Khương,
con Giao suốt ngày đe dọa lũ con, thò có đồng nào thì lại lẻn ra chợ
mua khô bò, khô mực... về để ăn với nhau một cách vô cùng thích thú. Các
cái chú Ba Tàu làm tiền thật tài tình. Một miếng khô tí xíu, chỉ bằng
cái móng tay, đem gói vào một cái túi nhỏ ngoài đề nhãn hiệu “Hai con
voi” “Ba con chuột”... bán một đồng, tính ra đắt vàng trời, ấy thế mà
trẻ con cứ mua nườm nượp suốt ngày. Thấy thế, ông Mỹ cũng làm khô gói
vào giấy bạc, trông khoa học không chịu được, rồi đến ông Mã Lai A, ông
Đại Hàn, ông Nhựt Bổn đều có khô gói giấy tung ra thị trường, ăn dỗ tiền
của trẻ con mỗi năm không ít.
- Cứ gì trẻ con! Mình mắng trẻ cho
có lệ, cứ chính mình ăn khô gói giấy cũng mê... Này không biết ngoại
quốc họ cho thêm cái chất gì vào khô mà nó lại ngon khác hẳn “khô chân
phương” của người mình thế nhỉ?
Chồng không biết trả lời vợ ra
sao. Cả hai cùng nhìn nhau, không nói và hình như có một lúc cả hai cùng
nhớ lại có một buổi sáng mùa thu nào đó, trong một cái vườn măng ở Lái
Thiêu, có một người đàn ông và một người đàn bà - lúc ấy còn là bạn -
cùng ngồi trên một cái chiếu trải dưới đất ăn cơm nguội với khô.
- Ăn khô ngon đến như thế mà cấm trẻ nó ăn, phải tội.
Vợ cười và bảo:
- Nếu không có bữa khô hôm đó, sao mà có lũ trẻ ngày nay, mình nhỉ?
Trăng Vũng Tầu sầu biêng biếc, nước Vũng Tầu đêm đến dâng lên, đập ì uộp vào bờ, nghe thê thiết như bài hát ru xứ Quảng.
Thỉnh
thoảng về nghỉ mát ở miền duyên hải này, hai vợ chồng mở cửa nhìn ra
trời nước, có lần thấy niềm hương ý nhạc dâng lên ở trong lòng lại muốn
cùng nhau gảy lại khúc đàn cũ ngày nào, trong một vườn măng ở Lái Thiêu,
hai đứa ăn hai chén cơm nguội với khô rồi ngủ trên bãi cỏ có nhiều bóng
mát.
Nhưng người vợ đến nửa đêm gần sáng lại lắc đầu không chịu
nghe lời chồng. Là vì nửa đêm về sáng, có những lằn chớp lóe lên ở chân
trời, rồi trăng lặn, rồi gió lớn nổi lên: ấy là mưa nguồn, ấy là chớp
bể...
Người vợ khẽ nói vào tai chồng, như thể sợ có ai nghe thấy câu chuyện lòng mà cười chăng:
-
Anh ơi, quên làm sao được buổi sáng mùa thu năm ấy, hai đứa mình còn
son trẻ, ăn cơm với khô mà ngon như ăn vây ăn yến... Miếng khô siết chặt
ân tình của em lại với anh... nhưng có những buổi thật là kỳ lạ... Ăn
khô ngon quá, em nghĩ xa nghĩ gần... và không hiểu làm sao có một vài
lúc em thấy sợ... nhất là những hôm có chớp bể mưa nguồn như đêm nay...
Em thấy lòng xốn xang, anh ạ, vì em nghĩ... em nghĩ không biết những
thuyền đánh cá ở biển để về làm khô thì gặp bão tố như thế này, họ biết
tránh vào đâu... Em nghĩ... phải anh ạ, em nghĩ rằng miếng khô làm cho
ta ăn vào mát ruột hả lòng... nhưng cũng rất có thể vì miếng khô mà có
những gia đình tan tác, vợ chồng tử biệt sanh ly...
Ờ ờ, chính
vào cữ này đây, anh ạ, vợ chồng mình nhân một ngày bão rớt đìu hiu ngồi
quấn quít với nhau để ăn một bữa khô ngon lành thì dân chài miền bể
thường lại lo sợ, mất ăn mất ngủ vì đó cũng là cữ trời mưa bão, những
người đi biển thường dễ làm mồi cho cá... Một tiếng chim kêu khắc khoải
khác thường, một giáng trời hơi lạ, một ngọn gió xoay chiều - phải, chỉ
có thế thôi mà lắm khi có thể làm cho bao nhiêu người ủ ê nét mặt, lo sợ
một thiên tai xảy đến.
Ấy là những người ở nhà lo cho kẻ ra đi,
không biết sống chết ra sao và chỉ còn biết chắp tay lại mà cầu Trời
khấn Phật phù hộ cho chồng con họ đi đến nơi, về đến chốn, khỏi phải
chôn xác vào miệng kình nghê nơi biển cả.
Ơi! Ơi những người
thanh thả, có bao giờ nghĩ tới những kẻ mang thê noa ra đánh bạc với
trùng dương để cướp của Long vương một lứa cá đem về bán tươi hay làm
khô, cho chúng ta ngồi thưởng thức cạnh con khôn, vợ đẹp?
<<<
Chuột thịt