Xôi vò - cơm rượu vốn là món ăn truyền thống của
ngườí dân miền Bắc trong những dịp Tết Đoan Ngọ, một loại thức ăn dùng để thờ
cúng tổ tiên cũng dần dần trở thành một món ăn quen thuộc, một thứ quà vặt hàng
Không biết ai đã nghĩ ra “mối lương duyên” giữa xôi vò và cơm rượu. Món Bắc món Nam, ấy vậy mà lại nên duyên cầm sắt, hòa hợp như thể sinh ra đã là của nhau vậy.
Xôi vò mà ăn với chè hoa cau thì là chuyện thường, bởi “cặp
đôi” đó đã là truyền thống. Hạt xôi dẻo chìm trong nước chè sanh sánh, đậu xanh
đánh tơi trong xôi hòa cùng đậu xanh hạt trong chè, món này đệm cho món kia,
hòa điệu nhịp nhàng. Nhưng dường như cái giai điệu ấy có phần nhẹ nhàng quá,
đều đều quá, không có điểm nhấn, không có sự tương phản để món này làm nền đẩy
bật món kia. Xôi vò - cơm rượu lại khác.
Bè trầm, bè bổng
Như một bài hát có bè trầm, bè bổng, xôi vò - cơm rượu là
hai món có phần đối nghịch. Hạt xôi tròn căng bám đầy đậu, vừa bùi, vừa béo,
vừa dẻo, thế mà lại ăn cùng cơm rượu vừa ngọt vừa nồng. Tưởng như hai món ăn
chỏi nhau, vậy mà ngon!
Xôi ăn kèm cơm rượu phải đúng là loại xôi vò miền Bắc, từng
hạt xôi rời ra không hạt nào dính hạt nào. Không như loại xôi vò - thực chất là
xôi xéo - của miền Nam,
chỉ trộn với nhiều đậu xanh nấu mềm, bết thành từng cục. Cách làm xôi này khá
cực và tiêu tốn nhiều thời gian. Nếp phải ngâm trước cả 12 tiếng đồng hồ, rồi
để ráo, thật ráo, thậm chí phải “lau” nếp bằng cách lấy khăn khô vùi trong nếp
để khăn thấm hết nước dư. Đậu xanh cũng phải ngâm nở rồi mới hong cho chín. Lại
phải chờ đậu nguội để giã cho đậu thật tơi mịn. Mà chỉ cần hôm nào ngâm lâu hay
dư chút nước, đậu xanh bị nhão là hỏng bét. Đã nhão thì giã kiểu nào đậu cũng
chỉ nát chứ không tơi, dẻo chứ không mịn. Phải làm sao khi nhón chút đậu lên
xoa vào tay, đậu trở thành một lớp bột với những hạt li ti lăn tròn giữa hai
bàn tay.
Công đoạn trộn đậu với nếp cũng phải kỹ lưỡng. Phải làm sao
để từng hạt nếp đều được bám đậu, như thế khi đồ, xôi mới không bị dính bết vào
nhau.
Có thể nói, đồ xôi là phần nhẹ nhàng nhất trong toàn bộ quy
trình làm xôi vò. Thế mà cũng phải canh lửa, đợi nước thật sôi mới được bắc
xửng xôi lên hong. Lại phải giữ kín nắp xửng để hơi nước không bị thoát ra
ngoài, xôi dễ hỏng. Cũng phải đến hơn nửa tiếng xôi mới bắt đầu chín. Lúc này
mới là công đoạn quyết định. Bới xôi ra khay hoặc nia rộng, để quạt liên tục
vào xôi và dùng đũa xới đều để xôi nguội nhanh, như thế hạt xôi mới rời ra theo
đúng kiểu xôi vò Bắc.
Không nói gì đến người thỉnh thoảng làm. Ngay cả người làm
quen, chỉ một chút ơ hờ đểnh đoảng là món xôi vò có thể bị hỏng. Phải kỹ ngay
từ khâu chọn nếp, chọn đậu. Nếp xấu, đậu sượng thì không thể có xôi ngon. Mà
nếp chưa khô xôi sẽ vón cục, đậu chưa mịn thì còn nguyên hạt lẫn vào xôi, vừa
không ngon vừa hao đậu. Mẻ xôi vò đúng kiểu là xôi phải rời tơi từng hạt, nhưng
khi nắm lại thì vẫn thành từng vắt, chứ rời như cơm nguội cũng chưa thành công.
Chỉ riêng phần xôi vò đã tốn bấy nhiêu công sức. Cơm rượu
cũng không kém kỳ công, mà lại hay hư dễ hỏng nếu làm không đều tay. Lại cũng
phải chọn nếp ngon, đồ lên cho thật vừa, không khô quá cơm rượu dễ sượng, nhão
quá cơm rượu sẽ chua và nát. Lại còn phải chọn loại men tốt, nếu men xấu và
người làm không có kinh nghiệm, sẽ uổng cả mẻ xôi ngon vì cơm rượu không lên
men được mà bị mốc. Xôi nấu xong phải trộn với men giã nhuyễn, rồi vo lại thành
từng viên để ủ vài ba ngày mới được một mẻ. Vo xôi cũng phải nhiều người làm
nhanh tay ngay khi xôi còn ấm, vì xôi đã nguội khi ủ sẽ khó lên men.
Cơm rượu làm không cực bằng xôi vò, nhưng đòi hỏi người làm
phải giàu kinh nghiệm, và nếu viên cơm rượu không tròn mà rã ra trong nước rượu
thì dù cơm rượu có ngon, người làm vẫn bị đánh giá là không được khéo.
Mất nhiều thời gian và công sức như thế nên người làm và
bán xôi vò - cơm rượu luôn tất bật mỗi ngày. Phải làm sao để mẻ cơm rượu này
vừa bán hết thì mẻ khác cũng vừa chín tới, kịp cho buổi bán hôm sau, và xôi thì
cũng luôn dẻo thơm mỗi ngày, bởi không thể để xôi bán từ ngày này qua ngày
khác.
Từ chợ ra đường phố
Đầu tiên, xôi vò - cơm rượu chỉ thấy bán trong chợ. Phổ
biến nhất là ngày mùng 5 tháng 5, các hàng chè đều có bán thêm hai món này. Các
bà các cô đi chợ, có khi ghé vào làm một chén cơm rượu bé, được dọn kèm chén
xôi vò còn bé hơn. Nhưng cũng có người chỉ tạt qua mua về để cúng trong ngày
Tết Đoan Ngọ hoặc cho con trẻ “giết sâu bọ”. Dần dà, không cứ ngày tư ngày tết,
một số hàng chè luôn có xôi vò - cơm rượu như một món không thể thiếu trong một
gánh chè ngon. Thế rồi không biết tự bao giờ, xôi vò - cơm rượu trở thành một
món ngon đường phố. Ở các ngã tư đông đúc, người ta thường bắt gặp một cái bảng
nhỏ cắt dán decal sơ sài với chữ CƠM RƯỢU - XÔI VÒ nổi bật. Không phải hàng
quán gì rườm rà, mỗi chỗ chỉ có một người bán ngồi trên ghế nhựa, bên cạnh là
chiếc bàn xếp những bịch cơm rượu - xôi vò buộc chặt. Người mua thường nhân
tiện dừng đèn đỏ, mua rồi đi theo kiểu “shop & go”. Có lẽ đây là kiểu bán
hàng hợp thời đại, thay thế cho những gánh hàng rong xưa kia hay gặp trong
những con hẻm nhỏ.
Những ai không có thời gian loanh quanh trong chợ tìm hàng
xôi vò - cơm rượu mà bất chợt thèm món này thì có thể tìm mua ở các ngã tư, đem
về nhẩn nha thưởng thức. Trút cơm rượu ra chén, rắc một ít xôi vò vào, múc một
thìa xôi vò - cơm rượu mà nhâm nhi để nghe vị xôi beo béo bùi bùi, hòa cùng vị
ngọt ngọt, nồng nồng của cơm rượu. Miếng xôi dẻo thơm lại kèm tiếng lật bật của
vắt cơm rượu tạo thành một “vị” mới, lạ mà ngon. Mùi hương nồng nàn mà thanh
khiết của cơm rượu dường như vẫn còn lẩn khuất trong không gian ngay cả khi món
ăn đã hết. Thưởng thức cặp đôi xôi vò - cơm rượu mà nghe vị ngon của xôi cùng
men say của rượu cứ thấm vào đến từng cái gai vị giác, béo mềm, lâng lâng.
» Bò cuốn lá lốt
» Cơm cháy nồi đồng
» Sườn heo nướng muối ớt
» Bò cuốn lá lốt
» Cơm cháy nồi đồng
» Sườn heo nướng muối ớt
Bài THANH SƠN
0 coment�rios:
Post a Comment