Chắc nhiều bạn đọc còn nhớ cái thứ bánh đậu Hải Dương, đã nổi tiếng, mà
ngày bé, chúng ta thường nhận được do tay bà mẹ đã đi đâu một chuyến xa
về? Cái thứ bánh đậu khô, bột nhỏ như phấn, đóng hình vuông, có in dấu
một hai chữ triện. Thuở nhỏ, chúng ta thích ăn thức quà ấy lắm, nhưng
nếu chúng ta mắc bệnh ho, thì không khỏi lắm lúc bực mình. Miếng bánh
vừa bỏ mồm chưa kịp nuốt, một cơn ho đã làm bật ra ngoài như làn khói
... Mắt chỉ còn tiếc ngẩn ngơ nhìn.
Bây giờ là thứ bánh đậu Hải
Dương ấy không còn nữa. Có lẽ người ta thấy cái bất tiện của bột khô cho
các trẻ bé và cho các ông cụ già. Ở Hà Nội, người ta làm một thứ bánh
đậu ngon hơn, đó là một thứ bánh đậu ướt, thứ bánh đậu có mỡ. Một thứ
bánh để ăn trong khi uống chè tàu, cái vị béo ngọt của bánh rất ăn với
cái vị đắng của nước chè.
Đó là thức bánh rất hợp dùng trong lúc
thưởng thức ấm chè ngon và tôi lấy làm tiếc rằng sao người ta lại không
nghĩ chế ra một vài thứ bánh tương tự như thế nữa; để có đủ bánh mà đặt
ra cái lệ "chè bánh" vào quãng năm giờ chiều, như thói tục người Anh.
Một tục lệ đáng quý, khiến một ngày đầy đủ hơn, và sau cùng sự là bánh
trái cũng khéo léo và tinh khiến hơn. Cũng là một công việc đáng làm,
như sự khuyến khích các mỹ thuật khác trong nước. Bánh đậu ướt ngon nhất
là bánh đậu của Hàng Bạc và Hàng Gai. Bây giờ hai phố vẫn cạnh tranh
nhau để lấy tiếng, và thêm vào cuộc tranh giành, còn có phố Hàng Đào và
phố Hàng Đường nữa. Nào hiệu Ích Nguyên Hàng Gai, hiệu Giu Nguyên và
Thanh Hiên Hàng Đường, ... Mỗi hiệu đều trình bày một thứ bánh với một
hương vị riêng. Ai chiếm giải quán quân bánh đậu? Thật là khó giải
quyết. Tôi lần lượt dùng hết chừng ấy thứ, đã ngẫm nghĩ và suy xét nhiều
về cái vị ngon trước một chén chè tầu bốc khói. Tôi không có cái kiêu
vọng bắt buộc người khác phải theo cái quyết định của mình. Nhưng tôi
không khỏi cái sở thích riêng trong việc đó.
Bánh đậu của Ích
Nguyên thì thẳng thắn và thực thà, mịn vì đậu ngon nguyên chất. Bánh của
Thanh Quang nhiều hương thơm vani, nhưng đường dùng hay loạn soạn, của
Giu Nguyên thì ướt vì nhiều mỡ quá; của Cự Hương thì nhạt vị, của Việt
Hương thì dẻo quá; tựa như đậu trắng, của Ngọc Anh thì hơi khô khan, của
Thanh Hiên thì hơi cứng mình ... Kể về vị ngon, thì mỗi thứ của một
hiệu đều có một đặc sắc riêng, đủ để cho người ta chuộng. Nhưng tôi thì
ưa thích thứ bánh đậu của Hàng Gai hơn, vì giản dị và mộc mạc. Đậu thì
nguyên chất đậu, và hương thơm cũng chỉ là hương riêng của bột đậu xanh.
Cho nên bỏ vào mồm thì tan đều, ăn ngẫm nghĩ rồi mới thấy béo, suy xét
rồi mới thấy thơm. Cái ông cụ già làm bánh ở hiệu đó có nói chuyện rằng:
trước kia, vì theo thời, ông cũng cho thêmhương vani vào bánh. Nhưng
các khách hàng quen, trong số đó có vài ông khách hàng già ở ngoại ô,
đều yêu cầu nên giữ nguyên hương vị đậu xanh như xưa, và nhà hàng từ đó
cứ theo như thế. Đấy thật là một ý kiến hay.
>>> Bánh Khảo, kẹo lạc
<<< Những thứ chuyên môn
>>> Bánh Khảo, kẹo lạc
<<< Những thứ chuyên môn
0 coment�rios:
Post a Comment